Đường lối tu tập Thích_Đức_Nhuận

Hòa Thượng Thích Đức Nhuận thuộc đời pháp thứ 44 Tông Tào Động, dòng pháp được truyền từ Thiền sư Động Sơn Lương Giới- người sáng lập Tông Tào Động tại Trung Quốc và đến thế kỷ 17 Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt du phương sang Trung Quốc cầu pháp rồi khai ngộ và truyền vào miền Bắc Việt Nam.

Về phương pháp tu tập, Hòa thượng tự mình tu theo pháp Thiền Phản Văn Văn Tự Tính của Bồ Tát Quán Thế Âm, được trình bày trong chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông thuộc Kinh Lăng Nghiêm. Pháp tu này về bản chất và nội dung đều tương tự như cách tham cứu tu hành của Thiền Tông( Khán thoại đầu, Chỉ quán đả tọa...) thông qua đó giúp cho hành giả dứt sạch vọng niệm, vô minh; đạt đến chổ siêu việt và chứng ngộ bản thể Phật Tính thanh tịnh nơi chính mình, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Sư thực hành pháp này cho đến cuối đời và có làm bài kệ đúc kết về pháp tu của mình:

Một niềm xoay lại đối tính nghe

Muôn sự buông xuôi chỉ lắng nghe

Nghe lắng cho sâu không nghe cảnh

Cảnh rời, văn tính chính Tính nghe.

Hòa thượng nhấn mạnh đến tầm quan trọng và thiết yếu của việc thực hành Phật Pháp- con đường Giới- Định- Tuệ đối với các hàng tăng, ni, phật tử. Đây là con đường cơ bản và cần thiết để mỗi người có thể nỗ lực tu hành và đạt đến sự giải thoát như lời Phật dạy: “Bây giờ thì cần giới luật, ít lâu sau khi thụ giới, trong dân giới các giới sư học không đủ mấy bộ luật, nên sự trao truyền còn nhiều thiếu sót. Con đường tiến đến giải thoát chỉ có Giới- Định- Tuệ. Đầu tiên, giới đã không đầy đủ thì Định, Tuệ không phát được. Giới có bốn khoa: Giới pháp, giới thể, giới hành và giới tướng. Giới pháp là Phật xem căn cơ của chúng sinh có lỗi lầm gì thì chế ra giới ấy để trị. Giới thể là thầy trò theo giới pháp ấy mà truyền thụ cho nhau, giới hành là thụ giới xong y theo đó mà tu hành, giới tướng là những tướng riêng biệt, như ngũ giới thì sát, đạo, dâm, vọng, và ẩm tửu, mỗi thứ có tướng riêng. Bây giờ, các Hoà Thượng trong các đàn truyền giới nên để ý nghiên cứu kỹ, không khéo thành ra giáo lý cao siêu như thế, hay như thế, mà kết quả không được mấy vì mình làm không đúng, vì mình không nhận được chân tâm“.

Sư chủ trương tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên và cho rằng cả ba tôn giáo Phật-Nho- Lão đều có những điểm tương đồng trong giáo lý và đều hướng con người đến chổ thiện, dù ngôn ngữ hành đạo và phương tiện thực hành khác nhau. Ngoài ra sư cũng giảng giải và khuyên các đệ tử sơ cơ nên thực hành pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật để cầu vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.